CHUẨN MỰC KẾ TOÁN SỐ 16 – CHI PHÍ ĐI VAY

CHUẨN MỰC KẾ TOÁN SỐ 16 – CHI PHÍ ĐI VAY
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm
2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với chi phí đi vay, gồm: ghi nhận chi phí đi vay vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ; vốn hoá chi phí đi vay khi các chi phí này liên quan
trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

02. Chuẩn mực này áp dụng cho kế toán chi phí đi vay.

03. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:
Chi phí đi vay: Là lãi tiền vay và các chi phí khác phát sinh liên quan trực tiếp đến các khoản vay của doanh nghiệp.
Tài sản dở dang: Là tài sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng và tài sản đang trong quá trình sản xuất cần có một thời gian đủ dài (trên 12 tháng) để có thể đưa vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán.

04. Chi phí đi vay bao gồm:
(a) Lãi tiền vay ngắn hạn, lãi tiền vay dài hạn, kể cả lãi tiền vay trên các khoản thấu chi;
(b) Phần phân bổ các khoản chiết khấu hoặc phụ trội phát sinh liên quan đến những khoản vay do phát hành trái phiếu;
(c) Phần phân bổ các khoản chi phí phụ phát sinh liên quan tới quá trình làm thủ tục vay;
(d) Chi phí tài chính của tài sản thuê tài chính.

05. Ví dụ: Tài sản dở dang là tài sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao đưa vào sản xuất, sử dụng; sản phẩm dở dang đang trong quá trình sản xuất của những ngành nghề có chu kỳ sản xuất dài trên 12 tháng.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Ghi nhận chi phí đi vay
06. Chi phí đi vay phải ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hoá theo quy định tại đoạn 07.

07. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hoá) khi có đủ các điều kiện quy định trong chuẩn mực này.

08. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó. Các chi phí đi vay được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

Xác định chi phí đi vay được vốn hoá
09. Trường hợp khoản vốn vay riêng biệt chỉ sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang thì chi phí đi vay có đủ điều kiện vốn hoá cho tài sản dở dang đó sẽ được xác định là chi phí đi vay thực tế phát sinh từ các
khoản vay trừ (-) đi các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vay này.

10. Các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vốn vay riêng biệt trong khi chờ được sử dụng vào mục đích có được tài sản dở dang thì phải ghi giảm trừ vào chi phí đi vay phát sinh khi vốn hoá.

11. Trường hợp phát sinh các khoản vốn vay chung, trong đó có sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang thì số chi phí đi vay có đủ điều kiện vốn hoá trong mỗi kỳ kế toán được xác định theo tỷ lệ vốn hoá đối với
chi phí luỹ kế bình quân gia quyền phát sinh cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản đó. Tỷ lệ vốn hoá được tính theo tỷ lệ lãi suất bình quân gia quyền của các khoản vay chưa trả trong kỳ của doanh nghiệp, ngoại trừ các khoản vay riêng biệt phục vụ cho mục đích có một tài sản dở dang. Chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ không được vượt quá tổng số chi phí đi vay phát sinh trong kỳ đó.

12. Nếu có phát sinh chiết khấu hoặc phụ trội khi phát hành trái phiếu thì phải điều chỉnh lại lãi tiền vay bằng cách phân bổ giá trị khoản chiết khấu hoặc phụ trội và điều chỉnh tỷ lệ vốn hoá một cách phù hợp. Việc phân bổ khoản chiết khấu hoặc phụ trội có thể sử dụng phương pháp lãi suất thực tế hoặc phương pháp đường thẳng. Các khoản lãi tiền vay và khoản phân bổ chiết khấu hoặc phụ trội được vốn hoá trong từng kỳ không được vượt quá số lãi vay thực tế phát sinh và số phân bổ chiết khấu hoặc phụ trội trong kỳ đó.

Thời điểm bắt đầu vốn hoá
13. Vốn hoá chi phí đi vay vào giá trị tài sản dở dang được bắt đầu khi thoả mãn đồng thời các điều kiện sau:
(a) Các chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bắt đầu phát sinh;
(b) Các chi phí đi vay phát sinh;
(c) Các hoạt động cần thiết trong việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đang được tiến hành.

14. Chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang bao gồm các chi phí phải thanh toán bằng tiền, chuyển giao các tài sản khác hoặc chấp nhận các khoản nợ phải trả lãi, không tính đến các khoản trợ cấp hoặc hỗ trợ liên quan đến tài sản.

15. Các hoạt động cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản vào sử dụng hoặc bán bao gồm hoạt động xây dựng, sản xuất, hoạt động kỹ thuật và quản lý chung trước khi bắt đầu xây dựng, sản xuất như hoạt động liên quan đến việc xin giấy phép trước khi khởi công xây dựng hoặc sản xuất. Tuy nhiên những hoạt động này không bao gồm việc giữ một tài sản khi không tiến hành các hoạt động xây dựng hoặc sản xuất để thay đổi trạng thái của tài sản này. Ví dụ chi phí đi vay liên quan đến việc mua một mảnh đất cần có các hoạt động chuẩn bị mặt bằng sẽ được vốn hoá trong kỳ khi các hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị mặt bằng đó. Tuy nhiên, chi phí đi vay phát sinh khi mua mảnh đất đó để giữ mà không có hoạt động triển khai xây dựng liên quan đến mảnh đất đó thì chi phí đi vay không được vốn hoá.

Tạm ngừng vốn hoá
16. Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ được tạm ngừng lại trong các giai đoạn mà quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn, trừ khi sự gián đoạn đó là cần thiết.

17. Việc vốn hoá chi phí đi vay được tạm ngừng lại khi quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn một cách bất thường. Khi đó chi phí đi vay phát sinh được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ cho đến khi việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tiếp tục.

Chấm dứt việc vốn hoá
18. Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành. Chi phí đi vay phát sinh sau đó sẽ được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh.

19. Một tài sản sẵn sàng đưa vào sử dụng hoặc bán khi quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản đã hoàn thành cho dù các công việc quản lý chung vẫn có thể còn tiếp tục. Trường hợp có sự thay đổi nhỏ (như trang trí tài sản theo yêu cầu của người mua hoặc người sử dụng) mà các hoạt động này chưa hoàn tất thì hoạt động chủ yếu vẫn coi là đã hoàn thành.

20. Khi quá trình đầu tư xây dựng tài sản dở dang hoàn thành theo từng bộ phận và mỗi bộ phận có thể sử dụng được trong khi vẫn tiếp tục quá trình đầu tư xây dựng các bộ phận khác, thì việc vốn hoá các chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi tất cả các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa từng bộ phận vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành.

21. Một khu thương mại bao gồm nhiều công trình xây dựng, mỗi công trình có thể sử dụng riêng biệt thì việc vốn hoá sẽ được chấm dứt đối với vốn vay dùng cho từng công trình riêng biệt hoàn thành. Tuy nhiên, đối với xây dựng một nhà máy
công nghiệp gồm nhiều hạng mục công trình trên một dây chuyền thì việc vốn hoá chỉ chấm dứt khi tất cả các hạng mục công trình cùng được hoàn thành.

Trình bày báo cáo tài chính
22. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải trình bày:
(a) Chính sách kế toán được áp dụng cho các chi phí đi vay;
(b) Tổng số chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ; và
(c) Tỷ lệ vốn hoá được sử dụng để xác định chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ.

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHUẨN MỰC KẾ TOÁN SỐ 16 “CHI PHÍ ĐI VAY”

1. Hạch toán chi phí đi vay phải tôn trọng một số quy định sau:
1.1. Chi phí đi vay phải ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hoá theo quy định.

1.2. Chi phí đi vay liên quan đến tài sản dở dang khi có đủ các điều kiện vốn hoá thì đơn vị phải thực hiện theo đúng quy định tại Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay” về định nghĩa tài sản dở dang, xác định chi phí đi vay được vốn hoá, thời điểm
bắt đầu vốn hoá, tạm ngừng vốn hoá và chấm dứt việc vốn hoá.

1.3. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang nếu đủ điều kiện vốn hoá thì được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hoá), bao gồm các khoản lãi tiền vay, phân bổ các khoản chiết khấu hoặc phụ trội khi phát hành trái phiếu, các khoản chi phí phụ phát sinh liên quan tới quá trình làm thủ tục vay.

1.4. Đơn vị phải xác định chi phí đi vay được vốn hoá theo đúng quy định hiện hành của Chuẩn mực kế toán cho hai trường hợp: (1) Khoản vay vốn riêng biệt sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang và (2) Các
khoản vốn vay chung trong đó có sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang.
Các khoản thu nhập phát sinh do đầu tư tạm thời các khoản vay riêng biệt trong khi chờ sử dụng vào mục đích có được tài sản dở dang thì phải ghi giảm trừ (-) vào chi phí đi vay phát sinh khi vốn hoá.
– Vốn hoá chi phí đi vay đối với khoản vốn vay riêng biệt:

Chi phí đi vay được vốn hoá cho mỗi kỳ kế toán
=
Chi phí đi vay thực tế phát sinh của khoản vay riêng biệt
Thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vay đó

– Vốn hoá chi phí đi vay đối với các khoản vốn vay chung:

Số chi phí đi vay được vốn hoá cho mỗi kỳ kế toán (1)
=
Chi phí luỹ kế bình quân gia quyền phát sinh cho đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang cho đến cuối kỳ kế toán (2)
x
Tỷ lệ vốn hoá (%) (3)
Chi phí luỹ kế bình quân gia quyền =∑ Chi phí cho từng tài sản XSố tháng chi phí thực tế phát sinh trong kỳ kế toán
Số tháng phát sinh của kỳ kế toán
Tỷ lệ vốn hoá (%) (3) =Tổng số tiền lãi vay thực tế của các khoản vay phát sinh trong kỳ X100%
Số dư bình quân gia quyền các khoản vay gốc
Số dư bình
quân gia quyền các khoản vay gốc
 =∑ Số dư của từng khoản vay gốc XSố tháng mà từng khoản vay phát sinh trong kỳ kế toán
Số tháng phát sinh của kỳ kế toán

1.5. Nếu có phát sinh các khoản chiết khấu hoặc phụ trội của những khoản vay bằng phát hành trái phiếu thì phải điều chỉnh lại chi phí đi vay bằng cách phân bổ giá trị các khoản chiết khấu hoặc phụ trội theo một trong hai phương pháp cho phù hợp
(phương pháp lãi suất thực tế hoặc phương pháp đường thẳng). Tuy nhiên doanh nghiệp phải áp dụng nhất quán phương pháp đã lựa chọn trong một kỳ kế toán năm.

1.6. Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ được tạm ngừng lại trong các giai đoạn mà quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn, trừ khi sự gián đoạn đó là cần thiết.

1.7. Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành. Chi phí đi vay phát sinh sau đó sẽ được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh.

2. Phương pháp kế toán
2.1. Kế toán chi phí đi vay
2.1.1. Trường hợp chi phí đi vay ghi vào chi phí tài chính trong kỳ: Được thực hiện theo Chế độ kế toán Doanh nghiệp hiện hành (Xem phần hướng dẫn TK 635).

2.1.2. Trường hợp chi phí đi vay đủ điều kiện vốn hoá.
Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang khi có đủ các điều kiện được vốn hoá theo quy định thì xử lý như sau:
a) Đối với khoản vốn vay riêng biệt, chi phí đi vay được vốn hoá cho tài sản dở dang được xác định là chi phí đi vay thực tế phát sinh từ các khoản vay trừ (-) đi các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vay này,
ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Các khoản thu nhập phát sinh do đầu tư tạm thời)
Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (Tài sản đầu tư xây dựng dở dang)
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Tài sản sản xuất dở dang)
Có các TK 111, 112 (Nếu trả lãi vay định kỳ)
Có TK 142 – Chi phí trả trước ngắn hạn (Chi phí đi vay phải trả trong kỳ – nếu trả trước ngắn hạn chi phí đi vay)
Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Phân bổ chi phí đi vay phải trả trong kỳ – nếu trả trước dài hạn chi phí đi vay)
Có TK 335 – Chi phí phải trả (Trích trước chi phí đi vay phải trả trong kỳ – nếu
chi phí đi vay trả sau).
b) Đối với các khoản vốn vay chung, chi phí đi vay được vốn hoá là toàn bộ chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến đầu tư
xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào chi phí đầu tư XDCB hoặc chi phí sản xuất sản phẩm mà không phải điều chỉnh các khoản thu nhập phát sinh do đầu tư tạm thời, ghi:
Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung
Có các TK 111, 112 (Nếu trả lãi vay định kỳ)
Có TK 142 – Chi phí trả trước ngắn hạn (Chi phí đi vay phải trả trong kỳ – nếu trả trước ngắn hạn chi phí đi vay) Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Phân bổ chi phí đi vay phải trả trong kỳ – nếu trả trước dài hạn chi phí đi vay) Có TK 335 – Chi phí phải trả ( Trích trước chi phí đi vay phải trả trong kỳ – nếu chi phí đi vay trả sau).
– Các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vốn vay chung, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

2.1.3. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến tài sản dở dang trong các giai đoạn mà quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn một cách bất thường hoặc kể từ khi chấm dứt vốn hoá phải tính vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Có các TK 111, 112, 142, 242, 335,…

2.2. Kế toán chi phí đi vay trong trường hợp phát hành trái phiếu công ty:
Được thực hiện theo Chế độ kế toán Doanh nghiệp hiện hành (Xem hướng dẫn TK 343, 635).

Xem thêm: Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

Chúc các bạn thành công!

ID: 3702424301

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *